Cam thảo là cây thuốc khá phổ biến hiện nay, có nhiều tác dụng trong kiện tỳ ích khí, nhuận phế chỉ ho, giải độc, chỉ thống, và có tác dụng điều hòa tác dụng các thuốc khác.
Cây Cam thảo là cây nhỏ mọc nhiều năm, có một hệ thống rễ và thân ngầm rất phát triển. Thân ngầm dưới đất có thể đâm ngang đến 2 mét. Từ thân ngầm này lại mọc lên các thân cây khác. Thân cây mọc đứng cao 0,5-1,50 m. Thân yếu, lá kép lông chim lẻ, có 9-17 lá chét hình trứng. Hoa hình bướm màu tím nhạt; loài glabra có cụm hoa dày hơn loài uralensis. Quả loại đậu, loài glabra nhẵn và thẳng, loài uralensis thì quả cong và có lông cứng
Dược liệu: Đoạn rễ hình trụ, thẳng hay hơi cong queo, thường dài 20-30 cm, đường kính 0,5-2,5 cm. Cam thảo chưa cạo lớp bần bên ngoài có màu nâu đỏ cùng những vết nhăn dọc. Cam thảo đã cạo lớp bần có màu vàng nhạt. Khó bẻ gãy, vết bẻ màu vàng nhạt có nhiều xơ dọc. Mặt cắt ngang có nhiều tia ruột từ trung tâm tỏa ra, trông giống như nan hoa bánh xe. Mùi đặc biệt, vị ngọt hơi khé cổ.
Cam thảo là cây thuốc Đông y được trồng nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô cũ, Hungari,… Cam thảo Bắc ưa khí hậu ôn hoà hoặc mát lạnh. Cây sống thích hợp ở nhiệt độ 18-20oC. Những khu vực cam thảo mọc hoang là những nơi có đất khô, đất có canxi, đất cát, đất cát vàng. Những nơi có đất đen cứng chắc, kiềm tính và ẩm thấp thì chất lượng cam thảo kém hơn, nhiều xơ, ít bột, ít ngọt, rễ mọc cong queo.
Theo giảng viên Trung cấp Y học cổ truyền Hà Mai Anh hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết, Cam thảo tính bình, vị ngọt, lợi về các kinh tâm, phế, tì, thận; có công hiệu thanh nhiệt giải độc, giảm ho lui suyễn, bổ tì ích khí; phù hợp với những người tỳ hư, chán ăn, đại tiện lỏng, viêm loét hành tá tràng, đau bụng, gân mạch co cấp tính, viêm phế quản, ho, sưng đau họng, ngộ độc thuốc và thức ăn, viêm gan, chức năng của hành tủy bị giảm sút, sưng loét, lao phổi, viêm da…
Một số bài thuốc Đông y từ Cam thảo có thể kể đến như:
Thang cam thảo, phù tiểu mạch
Cam thảo 10g, hoàng kỳ 20g, phù tiểu mạch 30g, táo tầu 5 quả.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần: Sáng, tối.
Dùng cho người lao phổi, đổ mồ hôi trộm.
Thang cam thảo, huyền sâm
Cam thảo 3g, huyền sâm 9g, chi tử 6g, hoàng cầm 6g, kinh giới 6g, cát cánh 6g, cát căn 9g, sinh địa 9g. Sắc nước uống trong ngày.
Chữa viêm họng, yết hầu sưng đau, mụn nhọt lở loét..
Trà cam thảo trúc đạm
Cam thảo 10g, Lá đạm trúc 12g, cây mã đề (xa tiền thảo) 100g.
Sắc nước, thêm đường phèn vừa miệng, uống thay trà, ngày 1 thang, 10 ngày là 1 liệu trình.
Dùng cho người bị viêm nhiễm đường tiết niệu.
Trà cam thảo lá sen
Cam thảo 3g, lá sen 3g. Hãm nước sôi uống thay trà.
Công dụng thanh nhiệt, giảm đau họng, khản tiếng
Thang hồng hoa cam thảo
Cam thảo 6g, hồng hoa 10g, toàn qua lâu 20g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, tối.
Dùng cho người lên sởi có mụn mọng nước, mọc thành từng dải.
Thang thuốc giảm béo
Cam thảo 3g, hoàng kỳ 15g, tiêu sơn tra 15g, đại hoàng tươi 2g, lá sen 10g. Sắc uống thay trà.
Dùng cho người bị béo phì.