Thực phẩm chức năng đang xuất hiện ngày càng nhiều tại thị trường Việt Nam, bên cạnh những sản phẩm đạt chuẩn, chất lượng cao cũng tồn tại không ít những sản phẩm kém chất lượng mà người tiêu dùng cần hết sức lưu ý khi chọn mua.
- Đưa thực phẩm chức năng vào Luật Dược
- Đừng bao giờ kết hợp những loại thuốc này với nhau
- Kết hợp thuốc – Mối nguy hiểm khó lường
Những sản phẩm mới tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng
Nếu như một hai năm trước đây người tiêu dùng còn lạ lẫm với sản phẩm tỏi đen lên men từ tỏi sống thì nay đã quá quen. Đến bất kỳ nhà thuốc nào ở TP.HCM hỏi tỏi đen, người mua sẽ được giới thiệu ít nhất 3 – 4 sản phẩm. Song song với tỏi đen tép, tỏi đen củ, là tỏi đen viên được sản xuất trong nước và nước tỏi đen – gừng – mật ong. Đây là sản phẩm mới của Le’o được quảng bá là khắc phục hoàn toàn mùi hương thoang thoảng của tỏi còn trong nước cốt tỏi đen trước đây.
Hiện nay thị trường còn phong phú hơn với những sản phẩm có chiết xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên như gạo lứt, vỏ trấu, cám, mơ tươi, lá tía tô, bạc hà, gừng, dầu vừng, sáp ong, đậu nành, trà xanh, rong biển, ớt…, từ nước uống đến viên nén, bột pha. Nhân viên cửa hàng chuyên bán thực phẩm chức năng trên đường Ba Tháng Hai (Q.10, TP.HCM) giới thiệu cho chúng tôi giấm đen giảm cân của Nhật Bản và hết lời khen ngợi: “Đây là sản phẩm khá mới được làm từ gạo lứt, ngoài tác dụng giảm cân, còn làm đẹp da, trơn tóc, chống lão hóa… Chỉ cần uống từ 1 – 12 viên đều đặn mỗi ngày (tùy loại), sau một thời gian sẽ giảm mỡ, đạt được cân nặng lý tưởng”.
Nhiều chỗ bán còn lập lờ gọi tên các thực phẩm chức năng là “thuốc giảm mỡ bụng của Nhật Bản”, “thuốc giảm cân của Thái Lan” có khả năng giúp giảm 7 – 10 kg sau 28 ngày uống. Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng còn được quảng cáo gắn với “công nghệ nano”, như: tinh nghệ vàng N.C dạng viên uống, giá 210.000 đồng/hộp 30 viên. Theo giới thiệu của người bán, sản phẩm chiết xuất từ tinh chất củ nghệ tươi nhưng nổi trội hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường là nhờ “công nghệ nano làm tăng khả năng hấp thụ curcumin” và thêm thành phần tâm thất, xạ đen, sản phẩm giúp “tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ khối u do các gốc ô xy hóa gây ra…”.
Lưu ý khi chọn mua thực phẩm chức năng
Theo BSTrần Văn Ký – phụ trách an toàn thực phẩm Văn phòng phía Nam (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN), nếu bổ sung thực phẩm chứng năng đúng nhu cầu của cơ thể sẽ rất tốt cho sức khỏe. “Người mua cần biết rõ cơ thể mình cần bổ sung gì và khi chọn mua, ngoài các thông tin bắt buộc về nhãn sản phẩm, cần xem kỹ thông tin thành phần, hàm lượng; sản phẩm có dễ hấp thu và chuyển hóa, đặc điểm dinh dưỡng của thành phần trên sản phẩm có phù hợp sức khỏe bản thân; hiệu quả sản phẩm có được chứng minh khoa học; đơn vị sản xuất có đáng tin cậy… Trong trường hợp có nhiều nghi vấn, người tiêu dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mua, sử dụng” – ông Ký cho biết.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức – giảng viên chính bộ môn Dược, ĐH Y Dược TP.HCM cảnh báo, thị trường thực phẩm chức năng hiện nay có sự lẫn lộn thật giả rất khó lường và chứa những thành phần độc hại. Trên thế giới, nhiều nước đã cảnh báo nhiều loại thực phẩm chức năng giảm cân gọi là thảo dược nhưng có chứa thuốc chống béo phì nguy hiểm đã bị cấm (như fenfluramine, sibutramin, phenolphtalein) hoặc chứa thuốc đông y có thể gây tai biến là ma hoàng (ephedra). Cơ quan chức năng TP.HCM từng phát hiện và thu giữ lượng lớn thực phẩm chức năng giả, các đối tượng nhập hàng Trung Quốc, xé nhãn và “hô biến” thành hàng Mỹ bán ra thị trường với giá cao. Nhiều công ty cũng đã bị Cục An toàn thực phẩm phạt vì “thổi phồng” công dụng của thực phẩm chức năng.
Đặc biệt với sản phẩm tỏi đen, theo tìm hiểu của chúng tôi, thị trường hiện có hai kiểu giả mạo về chất lượng. Một là lấy tỏi đen Bù Đà rồi giả làm tỏi đen Lý Sơn. Hai loại tỏi này có hình dạng bên ngoài hoàn toàn giống nhau (người trong nghề còn có thể nhầm), trong khi giá bán tỏi Lý Sơn cao hơn rất nhiều, đồng thời hàm lượng dinh dưỡng của tỏi Lý Sơn cũng cao gấp nhiều lần. Hai là tỏi kém chất lượng do cách lên men và thời gian lên men chưa đúng. Có những trường hợp tỏi dù lên men không đúng vẫn đen nhưng đen là do cháy khét, không còn nhiều dinh dưỡng. Để đảm bảo tỏi đen chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, cơ sở sản xuất phải đảm bảo thời gian lên men và độ ẩm… Bằng mắt thường, người tiêu dùng không thể nào phân biệt được hàng chất lượng với hàng không chất lượng được nên chỉ có cách duy nhất là dựa vào giấy chứng nhận của cơ quan y tế về hàm lượng dinh dưỡng.
Theo thanhnien.vn