Hiện nay, cây đủng đỉnh được trồng phổ biến trong các công trình đô thị và vườn nhà làm cảnh. Tuy nhiên, đây cũng là một dược liệu quý với nhiều công dụng chữa bệnh. Bài viết sẽ giúp bạn khám phá về tác dụng và cách sử dụng loài cây này trong y học.
- Thầy thuốc chia sẻ bài thuốc từ hoa đu đủ đực trị ho
- Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị tiểu đường từ khổ qua
- Các bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ Rau Má
1. Đặc điểm sinh học của cây đủng đỉnh
Phòng truyền thông Cao đẳng Y Dược TPHCM cập nhật và chia sẻ:
Cây đủng đỉnh (còn gọi là móc hoặc đùng đình) thuộc họ Arecaceae, có chiều cao từ 3 đến 4 mét, với thân hình trụ được cấu thành từ sự gộp lại của các bẹ lá. Mỗi lá của cây dài trung bình từ 1 đến 2 mét.
Lá cây mọc so le, có hình dạng kép lông chim giống như xương cá. Các gân trên lá xếp thành hình quạt mở rộng, trong khi phiến lá có hình tam giác lệch.
Hoa của cây đủng đỉnh đơn tính cùng gốc, với mỗi hoa cái đi kèm hai hoa đực, mọc thành bông mo từ nách lá. Hoa đực có cánh thuôn, hình bầu dục, với lá đài dày và gồm 17 đến 22 nhị. Hoa cái có hai lá bắc ở gốc, hình gần cầu và có ba cánh. Mỗi bông hoa dài khoảng 30 đến 40 cm, bao bọc bởi bốn mo, mọc theo trình tự từ trên xuống, với phần hoa gần thân phát triển trước.
Quả của cây đủng đỉnh có hình cầu, bên trong chứa một hạt và có vỏ nhẵn. Khi quả còn non, có màu xanh; khi chín, quả chuyển sang màu cam, đỏ tươi và cuối cùng là tím sẫm.
Cây đủng đỉnh thích nghi với điều kiện sống không cần nhiều nước và cần ánh sáng đầy đủ. Đây là loài cây sinh trưởng chậm nhưng có tuổi thọ cao, có thể lên tới 40 năm.
Cây đủng đỉnh được trồng phổ biến ở Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, loài cây này mọc trong rừng của các tỉnh như Hòa Bình, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Bình và Khánh Hòa.
2. Thành phần hóa học và công dụng chữa bệnh của cây đủng đỉnh
2.1. Thành phần hóa học
Các nghiên cứu gần đây cho thấy cây đủng đỉnh có 13,6% saccharose. Theo nghiên cứu của chuyên gia: Caryotin trong cây có khả năng kích thích sự phát triển của tế bào sụn. Tuy nhiên, chưa có công bố khoa học đầy đủ về các thành phần hóa học khác của cây.
2.2. Công dụng của dược liệu cây đủng đỉnh
Theo Dược sĩ, giảng viên Cao đẳng Dược chia sẻ cây đủng đỉnh theo y học cổ truyền và y học hiện đại cụ thể:
2.2.1. Theo y học cổ truyền
Lá cây: Đắp lên vết thương giúp nhanh lành.
Bẹ non: Có vị đắng, tính bình, cầm máu, tan u cục, chữa ho ra máu, khí hư, rong kinh, lỵ, tiểu ra máu, bí tiểu.
Nõn thân cây: Nhuận tràng.
Quả: Tính mát, vị cay, giảm mệt mỏi, nhưng có thể gây ngứa và rộp da nếu tiếp xúc trực tiếp.
Vỏ cây: Kết hợp với các dược liệu khác chữa mụn nhọt, ghẻ ngứa.
Lõi cây: Dùng để chữa sưng khớp, đau nửa đầu, ngộ độc, viêm loét dạ dày.
2.2.2. Theo y học hiện đại
Nghiên cứu cho thấy Caryotin giúp giảm triệu chứng viêm nhiễm, bảo vệ và phục hồi mô sụn. Liều Caryotin 0,04 và 0,4 µg/g có hiệu quả giảm sưng khớp tương đương Diclofenac 10 µg/g, đồng thời giảm viêm khớp dạng thấp và làm chậm quá trình gia tăng men gan do tổn thương mô khớp.
3. Một số bài thuốc chữa bệnh với cây đủng đỉnh
Chữa bí tiểu, tiểu ra máu: Dùng 20g bẹ cây đủng đỉnh tươi, sắc lấy nước uống.
Chữa ho ra máu: Đốt 10g bẹ cây đủng đỉnh, sắc cùng 12g qua lâu nhân để lấy nước thuốc uống.
Chữa băng huyết: Đốt bằng nhau xơ mướp và bẹ cây đủng đỉnh thành tro. Pha 6g tro với một ít nước muối, uống khi đói.
Chữa đau bụng do rong kinh: Trộn 40g hương phụ tứ chế với một ít rượu, nước muối, nước tiểu trẻ em và giấm, phơi khô. Đốt 80g bẹ cây đủng đỉnh, 80g kinh giới sao đen thành bột, trộn với hương phụ tứ chế, xay mịn. Uống 16g hỗn hợp bột pha nước, 2-3 lần/ngày.
Chữa ra nhiều khí hư: Dùng 12g mỗi loại: rễ cau, rễ cọ, rễ đủng đỉnh, rễ tre, thái nhỏ, sắc với nước vừa đủ để có 1 chén nước, chia thành 2 lần uống/ngày.
Nhuận tràng: Sắc 20-30g nõn thân cây đủng đỉnh với 400ml nước đến khi còn 100ml, chắt nước uống.
Chữa bệnh xương khớp: Rửa sạch 5kg quả đủng đỉnh (cả xanh và chín), trộn với 0,5kg đường phèn, ủ trong bình kín 5 ngày. Đổ thêm 3-4 lít rượu 40 độ vào, ngâm thêm 1 tháng, rồi dùng để bôi lên vùng xương khớp bị đau.
4. Lưu ý khi sử dụng cây đủng đỉnh chữa bệnh
Vỏ quả cây đủng đỉnh: Có thể gây ngứa và bỏng da, vì vậy nên đeo găng tay khi xử lý vỏ quả.
Rượu đủng đỉnh: Bảo quản ở nhiệt độ dưới 25°C và đậy nắp kín. Khi thoa lên da, tránh vùng da bị lở loét, mụn hoặc vết thương hở để ngăn ngừa bỏng.
Thận trọng: Người trên 60 tuổi, người có bệnh lý nghiêm trọng và trẻ em nên cẩn thận khi sử dụng rượu đủng đỉnh.
Hy vọng thông tin này giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng của cây đủng đỉnh. Để sử dụng dược liệu này an toàn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Nguồn trinhduocvien.edu.vn