Đây là nội dung quy định tại Luật dược (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 6/4. Theo đó, các quầy thuốc, nhà thuốc bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc có thể bị xử lý hình sự.
- Trình dược viên liệt kê những yêu cầu về kê đơn thuốc
- Danh mục thuốc không kê đơn
- Đưa thực phẩm chức năng vào Luật Dược
Điều 6 của dự thảo Luật đã quy định cấm bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc
Trước đó, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thuý Anh – Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội đã đọc báo cáo tiếp thu, giải trình về dự án Luật. Đối với ý kiến đề nghị bổ sung quy định chế tài đối với những cơ sở vi phạm quy định về bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết Điều 6 của dự thảo Luật đã quy định cấm bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc. Như vậy, khi vi phạm quy định này, tùy theo mức độ vi phạm, cơ sở kinh doanh sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự.
Đề nghị cơ chế đặc biệt để các cơ sở y học cổ truyền mua được dược liệu
Về một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định cơ chế đặc biệt để các cơ sở y học cổ truyền mua được dược liệu có chất lượng cao và phát huy được thế mạnh của dược liệu trong nước. Trước ý kiến trên, dự thảo Luật Dược đã quy định không chào thầu dược liệu nhập khẩu thuộc danh mục do Bộ Y tế ban hành khi dược liệu được nuôi trồng, thu hái trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị và khả năng cung cấp, giá hợp lý, tại khoản 4 Điều 7. Bên cạnh đó, việc thực hiện mua dược liệu phục vụ khám chữa bệnh phải phù hợp với Luật giá và Luật đấu thầu. Vì vậy, xin phép Quốc hội giữ như quy định của dự thảo Luật Dược. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu và ban hành chính sách đồng bộ từ trồng trọt đến thu mua nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế mua dược liệu có chất lượng cao trong nước phù hợp với các luật hiện hành.
Cấm nhập khẩu dược liệu đã qua chiết xuất
Đề cập đến các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6), Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “cấm kinh doanh thuốc không được bảo quản đúng quy định”, “cấm nhập khẩu dược liệu đã qua chiết xuất”. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật Dược đã bổ sung quy định “cấm kinh doanh thuốc không được bảo quản đúng quy định ghi trên nhãn thuốc” tại khoản 14 Điều 6. Đồng thời, quy định dược liệu đã bị cố ý chiết xuất hoạt chất được coi là dược liệu giả tại khoản 34 Điều 2 và bị cấm kinh doanh tại khoản 5 Điều 6.
Chứng chỉ hành nghề được cấp 1 lần
Về vấn đề thời hạn của chứng chỉ hành nghề (CCHN) dược, Chủ hiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho biết, dự thảo Luật quy định CCHN được cấp 1 lần trên cơ sở thống nhất của 62,67% đại biểu Quốc hội trả lời phiếu xin ý kiến. Với các quy định thu hồi CCHN khi không cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục (khoản 9 Điều 28) và các biện pháp hậu kiểm khác sẽ bảo đảm tính khả thi của quy định này.
Bán thuốc tại siêu thị phải có người phụ trách chuyên môn về dược
Trước ý kiến đề nghị cân nhắc việc cho phép bán thuốc tại siêu thị để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, việc quy định bán thuốc tại siêu thị là phù hợp với xu thế của thế giới và để tiện lợi cho người dân. Theo đó, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, dự thảo Luật đã quy định siêu thị phải có người phụ trách chuyên môn về dược và chỉ được phép bán các loại thuốc thông thường theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định (Điều 35).
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật giá và Luật đấu thầu
Đề cập đến vấn đề quản lý nhà nước về giá thuốc, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hạn chế các tầng lớp trung gian trong phân phối thuốc để giảm giá thuốc; có ý kiến đề nghị trong trường hợp giá thuốc đấu thầu do Bộ Y tế công bố có sự chênh lệch bất hợp lý giữa các địa phương, giữa các bệnh viện thì Bộ Y tế hoặc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét cho phù hợp. Trước vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc vận hành tốt cơ chế đấu thầu thuốc sẽ làm cho các loại thuốc có cạnh tranh gay gắt về giá, tầng nấc trung gian sẽ dần tự triệt tiêu. Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, để khắc phục sự chênh lệch về giá giữa các kết quả trúng thầu khi việc đấu thầu thuốc vẫn đúng trình tự và đúng quy định của pháp luật, Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật giá và Luật đấu thầu.
Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị với các sản phẩm không phải là thuốc
Trước một số ý kiến đề nghị Luật quy định về thực phẩm chức năng và mỹ phẩm bằng một chương riêng hoặc quy định cụ thể hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến thực phẩm chức năng. Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 1068/BC-UBTVQH13. Theo đó, để xử lý tình trạng tiếp thị, quảng cáo thực phẩm chức năng quá mức gây hiểu lầm cho người dùng, dự thảo Luật bổ sung quy định “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể đối với các sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế” tại khoản 15 Điều 6.
Luật Dược (sửa đổi) có 14 chương, 116 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017.