Alimemazine: thuốc chống dị ứng và những lưu ý khi sử dụng - Trình dược viên
Cao đẳng Dược TPHCM
Home » Thuốc Tân Dược » Thuốc da liễu » Alimemazine: thuốc chống dị ứng và những lưu ý khi sử dụng

Alimemazine: thuốc chống dị ứng và những lưu ý khi sử dụng

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (5 votes, average: 3,40 out of 5)
Loading...

Alimemazine thường được sử dụng làm giảm phản ứng dị ứng như sưng, ngứa ở da, mày đày, ho do dị ứng, viêm mũi dị ứng,… Thuốc còn được sử dụng với mục đích an thần giúp dễ ngủ ở trẻ em và người lớn.

<center><em>Alimemazine là thuốc gì?</em></center>

Alimemazine là thuốc gì?

1.  Alimemazine là thuốc gì?

DSCK1 Cô Nguyễn Hồng Diễm giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Alimemazine là dẫn chất phenothiazin, có tác dụng kháng histamin H1 và kháng serotonin mạnh, bằng cách cạnh tranh gắn kết với histamin tại các thụ thể histamin H1 ở trên da, phế quản, ruột và mạch máu. Từ đó thuốc làm giảm các chứng dị ứng như mày đay, ngứa do histamin H1 gây ra.

Ngoài ra, Alimemazine còn có tác dụng giảm ho, an thần, chống nôn. Tác dụng chống ngứa của Alimemazine là do tác dụng an thần của thuốc gây ra chủ yếu chẹn các thụ thể histamin H1 ngoại vi. Alimemazine có tác dụng mạnh hơn Terfenadin trong điều trị ngứa về đêm ở người bệnh chàm và vảy nến nhưng kém hiệu quả hơn Nitrazepam, một chất an thần không có tác dụng kháng histamin.

Do tác dụng kháng cholinergic ngoại vi của Alimemazine tương đối yếu, những vẫn xuất hiện một số tác dụng phụ ở một số người bệnh đã dùng Alimemazine như khô miệng, táo bón, nhìn mờ, bí tiểu tiện.

Alimemazine có tác dụng an thần do ức chế enzym histamin N-methyltransferase và do chẹn các thụ thể trung tâm tiết histamin và tác dụng trên thụ thể serotoninergic. Nên Alimemazine được sử dụng làm thuốc tiền mê trong điều trị.

Alimemazine được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa tương đối ở mức trung bình với dạng viên nén, khoảng 70% với dạng siro. Sau khi uống 15 – 20 phút Alimemazine bắt đầu có tác dụng và đạt nồng độ trong huyết tương đạt tối đa sau 3,5 giờ với dạng siro và 4,5 giờ với dạng viên nén. Thuốc tác dụng kéo dài 6 – 8 giờ. Alimemazine liên kết với protein huyết tương khoảng 20 – 30%. Alimemazine chuyển hóa chủ yếu qua gan thành các chất chuyển hóa N-desalkyl chưa rõ hoạt tính. Thải trừ qua thận dưới dạng các chất chuyển hóa sulfoxyd khoảng 70 – 80% sau 48 giờ. Thời gian bán thải của Alimemazine là 5 – 8 giờ.

2. Các dạng thuốc và hàm lượng của Alimemazine?

Alimemazine được sản xuất trên thị trường với dạng thuốc và hàm lượng như:

  • Viên nén: 5 mg, 10 mg.
  • Dung dịch Sirô uống: 7,5 mg/5 ml, 30 mg/5 ml.
  • Dung dịch tiêm (tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp): 25 mg/5 ml, tính theo alimemazin tartrat

Biệt dược Brand name: Theralene.

Biệt dược Generic: Alimemazine, Tamerlane, Tanasolene, Teremazin, Thegalin, Thelargen, Thelergil, Terichlen, Thelizin, Thémaxtene, Themogene, Thenadin, Theratussine, Tusalene, Acezin DHG, Aginmezin, Aligic, Atheren, Euvilen, Meyeralene, Pemazin, Spidextan, Tuxsinal.

3. Thuốc Alimemazine dùng cho những trường hợp nào?

  • Alimemazine được chỉ định làm thuốc tiền mê trước phẫu thuật.
  • Điều trị dị ứng ở đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, viêm mũi, ho khan về đêm.
  • Điều trị dị ứng ngoài da như mẫn ngứa, mày đay.
  • Điều trị mất ngủ ở người lớn và trẻ em.
  • Dùng trong sản rượu cấp.

4. Cách dùng – Liều lượng của Alimemazine?

Cách dùng: Alimemazine dạng thuốc viên, dung dịch uống được dùng đường uống với nước lọc sau bữa ăn.

Liều được tính theo lượng Alimemazin tartrat. Quy đổi: 1,25 mg Alimemazine tartrat tương đương với khoảng 1,0 mg Alimemazine.

Liều dùng điều trị sẩn ngứa, mày đay:

  • Người lớn: Uống 10 mg/lần x 2 – 3 lần/ngày, có thể dùng liều tới 100 mg/ngày.
  • Người cao tuổi: Uống 10 mg/lần x 1 – 2 lần/ngày.
  • Trẻ em > 2 tuổi: Uống 2,5 – 5 mg/lần x 3 – 4 lần/ngày.

Liều dùng điều trị ho:

  • Người lớn: Uống 5 – 10 mg/lần x 3 – 4 lần/ngày.
  • Trẻ em: Uống 0,5 – 1 mg/kg/ngày, chia nhiều lần.

Dùng điều trị mất ngủ:

  • Người lớn: Uống 5 – 20 mg/lần. Uống trước khi đi ngủ.
  • Trẻ em: Uống 0,25 – 0,50 mg/kg/ngày. Uống trước khi đi ngủ.
  • Sảng rượu cấp ở người lớn: Uống 50 – 200 mg/ngày.

Tuy nhiên, tuỳ theo tình trạng và mức độ diễn tiến của bệnh, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng và liệu trình điều trị để đạt tác dụng điều trị tối ưu nhất.

5. Cách xử lý nếu quên liều thuốc Alimemazine?

Nếu người bệnh quên một liều Alimemazine nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến giờ uống của liều tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng thời điểm đã lên kế hoạch điều trị.

6. Người bệnh làm gì khi dùng quá liều thuốc Alimemazine?

Khi uống quá liều Alimemazine thường có những biểu hiện triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng như buồn ngủ, rối loạn ý thức, hạ huyết áp, tăng nhịp tim,  truỵ tim mạch, loạn nhịp nhanh thất, hạ thân nhiệt, ức chế TKTW nặng, suy hô hấp, đe dọa tính mạng.

Xử trí quá liều: Bác sĩ, giảng viên Cao đẳng Điều dưỡngTrường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào do quá liều, cần phải ngừng thuốc và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị triệu chứng phù hợp. Dùng than hoạt giúp ngăn ngừa hấp thu Alimemazine. Hoặc có rửa dạ dày với dung dịch natri clorid 0,9%. Đồng thời theo dõi huyết áp, nhịp tim và hô hấp. Dùng thuốc hỗ trợ theo phát đồ của bệnh viện để đưa các chỉ số huyết áp và nhịp tim về mức ổn định.

<center><em>Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Alimemazine?</em></center>

Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Alimemazine?

7. Thận trọng những lưu ý khi sử dụng thuốc Alimemazine?

Không dùng Alimemazine cho những trường hợp sau:

  • Người có tiền sử mẫn cảm với Alimemazine hoặc với với phenothiazin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Người rối loạn chức năng gan
  • Người rối loạn chức năng thận.
  • Người bị bệnh động kinh, bệnh Parkinson, bệnh nhược cơ, suy giáp, u tủy thượng thận, phì đại tuyến tiền liệt.
  • Người có tiền sử bệnh glôcôm góc hẹp.
  • Người dùng quá liều do barbituric, opiat hay rượu.
  • Người bệnh bị hôn mê hoặc bệnh nhân đã dùng thuốc an thần TKTW với liều cao.
  • Người đang giảm bạch cầu, khi đã có đợt mất bạch cầu hạt.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi
  • Trẻ bị mất nước nhiều.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Alimemazine cho những trường hợp sau:

  • Người cao tuổi, Alimemazine có thể dễ bị lú lẫn, giảm huyết áp thế đứng, ngất và triệu chứng ngoại tháp ở người cao tuổi, đặc biệt khi thời tiết rất lạnh hoặc rất nóng gây nguy cơ hạ hoặc tăng thân nhiệt.
  • Trên da, Alimemazine có thể thay đổi kết quả các thử nghiệm da với các dị nguyên.
  • Không kết hợp Alimemazine chung với các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác hoặc rượu.
  • Thận trọng khi dùng Alimemazine cho người bị bệnh động kinh, hen, tim mạch, loét dạ dày, viêm môn vị – tá tràng, hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh liên quan đến tiền sử gia đình.
  • Thận trọng khi dùng Alimemazine cho trẻ em có tiền sử ngừng thở khi ngủ.
  • Phụ nữ mang thai: Alimemazine gây vàng da và các triệu chứng ngoại tháp cho thai nhi khi dùng thuốc này cho người mẹ mang thai. Không dùng khuyến cáo dùng thuốc Alimemazine cho phụ nữ mang thai. Nếu cần thiết chỉ dùng Alimemazine trong thai kỳ với liều thấp và trong thời gian ngắn.
  • Phụ nữ cho con bú: Alimemazine bài tiết qua sữa mẹ ở nồng độ nhất định, vì vậy khuyến cáo không Alimemazine khi người mẹ trong thời gian cho con bú.
  • Cần thận trọng với người đang lái xe và vận hành máy móc: Thuốc Alimemazine có thể gây ra tác dụng không mong muốn như buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt.

8. Thuốc Alimemazine gây ra các tác dụng phụ nào?

Thường gặp: Đau đầu, chóng mặt nhẹ, khô miệng, đờm đặc, mệt mỏi, uể oải.

Ít gặp: Táo bón, rối loạn điều tiết mắt, bí tiểu.

Hiếm gặp: Khô miệng có thể gây hại răng và men răng, bồn chồn, rối loạn trương lực cơ cấp, loạn động muộn, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt thường xảy ra ở người bệnh nữ, giữa tuần thứ 4 và thứ 10 của đợt điều trị, viêm gan vàng da do ứ mật, triệu chứng ngoại tháp, hạ huyết áp, tăng nhịp tim, bệnh Parkinson, các phenothiazin có thể làm giảm ngưỡng co giật trong bệnh động kinh, nguy cơ ngừng hô hấp, gây tử vong đột ngột ở trẻ nhỏ.

Trong quá trình sử dụng thuốc Alimemazine, người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc Alimemazine thì cần xin ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn để xử trí kịp thời.

<center><em>Thuốc Alimemazine có thể gây ra các tác dụng phụ</em></center>

Thuốc Alimemazine có thể gây ra các tác dụng phụ

9. Alimemazine tương tác với các thuốc và thực phẩm nào?

  • Thuốc ngủ barbituric và các thuốc an thần khác: Làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương, tăng ức chế hô hấp của Alimemazine khi dùng chung với các thuốc này.
  • Thuốc hạ huyết áp như thuốc chẹn thụ thể alpha – adrenergic: Làm tăng tác dụng hạ huyết áp của các thuốc này khi được kết hợp chung với Alimemazine.
  • Thuốc kháng cholinergic khác: Làm tăng tác dụng kháng cholinergic như táo bón, say nóng của Alimemazine khi được phối hợp đồng thời.
  • Thuốc kháng cholinergic: Làm giảm tác dụng chống loạn thần của các Alimemazine khi được sử dụng đồng thời.
  • Amphetamin, levodopa, clonidin, guanethidin, epinephrin: Alimemazine làm giảm tác dụng trị liệu của các thuốc này khi được dùng chung.
  • Antacid, các thuốc điều trị Parkinson, Lithi: Làm giảm hấp thu của Alimemazine khi được dùng đồng thời.
  • Epinephrin: Alimemazine dùng liều cao làm giảm đáp ứng hạ đường huyết của thuốc Epinephrin khi kết hợp chung.
  • Cisaprid, grepafloxacin, isradipin, levomethadyl, moxifloxacin, octreotid, pentamidin: Làm tăng độc tính trên tim của Alimemazine khi được sử dụng đồng thời.
  • Rượu: Khi dùng chung với Alimemazine có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương của Alimemazine.

Tóm lại, tương tác thuốc với thuốc hay thực phẩm có thể làm thay đổi quả điều trị của thuốc hoặc làm tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Để đảm bảo an toàn và đạt lợi ích tối ưu trong điều trị bằng thuốc Alimemazine, người bệnh cần có tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn và  đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất.

10. Bảo quản Alimemazine như thế nào?

Alimemazine bảo quản ở nhiệt độ dưới 30°C, khô thoáng, tránh ánh sáng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

x

Check Also

Những nhóm thuốc điều trị chứng đau nhức xương khớp

Cảm giác đau nhức xương khớp là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là ...

Trình dược viên