Tiểu hồi - Thảo dược vừa làm thuốc chữa bệnh vừa làm gia vị - Trình dược viên
Cao đẳng Dược TPHCM
Home » Thuốc Đông Dược » Cây thuốc » Tiểu hồi – Thảo dược vừa làm thuốc chữa bệnh vừa làm gia vị

Tiểu hồi – Thảo dược vừa làm thuốc chữa bệnh vừa làm gia vị

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (4 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Tiểu hồi (hay Hồi hương) là một vị thuốc khá phổ biến trong các bài thuốc trong Y học cổ truyền chữa trị các chứng đau bụng, đầy bụng, ăn khó tiêu… Là loại thảo dược đa công dụng khi vừa có thể làm gia vị vừa làm dược liệu chữa bệnh.

<center><em>Tiểu hồi</em></center>

Tiểu hồi

Đặc điểm thực vật

Tên gọi khác:  Hồi hương, Tiểu hồi hương, tiểu hồi cần…

Tên khoa học: Fructuc Foeniculi, thuộc họ Hoa Tán (Apiaceae).

Cây thuộc thân thảo, sống hàng năm hoặc 2 năm, cao khoảng 0.5 – 2m.

Thân hình trụ rỗng, có rãnh dọc.

Lá mọc so le xẻ sâu tới tận gân lá, phiến lá xẻ hình lông chim, bẹ lá phát triển tốt.

Hoa màu vàng nhỏ, mọc thành cụm ở ngọn cành hoặc mọc ra từ nách lá.

Quả nhỏ như hạt thóc, mặt ngoài màu xanh lam hơi vàng hoặc vàng nhạt, chuyển dần sang màu nâu sậm khi về già, hơi thuôn về phía 2 đầu, có khía dọc và có mùi thơm đặc trưng.

Tiểu hồi ra hoa vào khoảng tháng 6 đến tháng 7 và mùa quả từ tháng 10 hàng năm.

Phân bố, thu hái, chế biến:

Hồi hương là cây ưa khí hậu mát mẻ, có nhiều ở Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập. Ở Việt Nam, cây được trồng ở các tỉnh miền núi như: Lào Cai, Lâm Đồng với diện tích còn hạn chế, đang ở mức thử nghiệm, chủ yếu còn phải nhập.

Mùa thu hái vào cuối năm khi quả gần chín. Nếu để quá già, vỏ quả chuyển sang màu vàng, lúc này quả rất dễ rụng. Sau khi hái về đem phơi khô ngay rồi bảo quản. Tùy vào mục đích dùng mà có thể chế biến theo những cách sao, tẩm muối hoặc chích muối.

Thành phần hóa học:

Chủ yếu là tinh dầu Tiểu hồi. Là chất lỏng không màu hay màu vàng nhạt. Tinh dầu chứa chủ yếu Anethol với hàm lượng lên đến 50 – 60%.

Tác dụng dược lý – công dụng của Tiểu hồi

1. Tác dụng dược lý

Theo Y học cổ truyền: Hồi hương có vị đắng cay, tính ôn, đi vào vào 3 kinh Vị, Tỳ và Thận. Có tác dụng: Lý khí khai vị, ôn thận, noãn can, tán hàn, chỉ thống. Vị tiểu hồi chủ trị: Bụng sườn đau, buồn nôn và ăn ít, thận hư sa tinh hoàn.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại: tác dụng của tiểu hồi như sau:

Tác dụng đến hệ tiêu hóa

Tinh dầu Hồi hương có tác dụng tăng nhu động ruột và tăng tiết dịch của dạ dày và ruột, kích thích trung tiện lúc đầy bụng.

Qua nghiên cứu cho thấy rằng nó còn có tác dụng chống co thắt, làm giảm đáng kể các triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích (IBS) như chướng bụng, đau bụng hoặc khó chịu bụng, tiêu chảy, táo bón… Ngoài ra, tinh dầu Hồi hương còn có khả năng chống loét dạ dày nhẹ.

Tác dụng Kháng viêm, giảm đau, chống oxy hóa

Dùng đường uống dịch chiết xuất từ ​​thảo dược này cho thấy tác dụng ức chế các phản ứng viêm cấp tính và bán cấp, chống dị ứng và giảm đau. Những kết quả này hỗ trợ việc sử dụng chiết xuất methanolic của Hồi hương trong việc làm giảm viêm.

Hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm

Qua các nghiên cứu của nhà khoa học thấy những hợp chất của nó có các đặc tính kháng khuẩn chống lại vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn gram dương và gram âm.

Ngoài ra, còn thấy nó có hiệu quả kháng nấm cao hơn so với Clotrimazole diệt nấm thương mại.

Giảm triệu chứng tiền mãn kinh

Kết quả của một số nghiên cứu được theo dõi, thảo dược này có vai trò quan trọng trong việc làm giảm các triệu chứng của “cơn bốc hỏa”, khô âm đạo, khó thở, liên quan đến chức năng tình dục, thỏa mãn tình dục và rối loạn giấc ngủ.

<center><em>Hồi hương vừa dùng làm gia vị vừa là dược liệu chữa bệnh.</em></center>

Hồi hương vừa dùng làm gia vị vừa là dược liệu chữa bệnh

2. Công dụng của tiểu hồi 

DsCKI. Nguyễn Quốc Trung giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Hồi hương là dược liệu đa chức năng bởi nó vừa có thể làm dược liệu trị bệnh cho cả Đông và Tây y vừa làm gia vị.

– Tinh dầu của dược liệu này có công dụng giúp tăng tiết dịch vị dạ dày, kích thích trung tiện và tăng như động ruột.

– Dược liệu Hồi hương chữa trị chứng đầy bụng, khó tiêu.

– Hồi hương chữa trị chứng sổ mũi giúp loãng đờm.

– Dược liệu có tác dụng chữa trị như một loại thuốc giúp lợi tiểu và kích thích sự thèm ăn.

– Vị thuốc Hồi hương này còn có công dụng tốt đối với phụ nữ giúp tăng lưu lượng sữa, chữa trị chứng chậm kinh, giúp tăng nhu cầu tình dục.

– Giúp nam giới chữa trị các triệu chứng ở thời kì mãn dục ở phái mạnh. Ngoài ra, nó còn có công dụng điều trị chứng khó ngủ, hen suyễn, co giật và táo bón.

– Ở một số nước, tiểu hồi còn được dùng để điều trị ghẻ, lở ngứa và bệnh vảy nến bằng cách bôi trực tiếp lên da.

*Ở Ấn Độ, dùng Tinh dầu Tiểu hồi để gây trung tiện nhẹ, chữa đau bụng và đầy hơi cho trẻ nhỏ. Đây cũng là thuốc trị giun đũa, giun móc tốt.

*Ở Indonesia, nước sắc dược liệu là một thành phần trong phức hợp thuốc trị lao phổi. Còn dùng ngoài để bôi chữa trị bệnh phong.

Ngoài ra, thảo dược này cũng là một loại gia vị dùng trong các món ăn của người Trung Hoa hoặc có thể pha trà uống.

– Trong một số lĩnh vực khác, nó còn được sử dụng để tạo hương liệu bởi có vị ngọt thơm như vị của Cam thảo đen, tạo vị và mùi của rượu như rượu anisate, rượu ouzo.

– Hồi hương còn dùng trong cả sản xuất các sản phẩm chăm sóc răng miệng, hương thơm xà phòng và nước hoa…

Một số bài thuốc chữa trị từ vị thuốc tiểu hồi

1. Chữa trị ăn không tiêu, đầy bụng khó thở, hen

Quả Hồi hương, hạt Cải trắng, hạt Củ cải, hạt Tía tô lượng bằng nhau. Tán nhỏ, uống ngày 3 lần. mỗi lần 1g. Dùng ngoài: lấy bột này chưng nóng với rượu, bọc vải xoa chườm lên ngực, bụng.

2. Làm ấm cơ thể, thích hợp trong những ngày giá rét

Dùng Trà Tiểu hồi: Tiểu hồi 10g, hòa với Đường đỏ vừa đủ.

Dược liệu rửa sạch, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau khoảng 20 phút thì dùng được. Khi uống thêm đường đỏ với lượng thích hợp, có thể uống thay trà trong ngày.

3. Chữa trị bạch đới do hàn:

Dùng tiểu hồi 10g, can khương 6g, sắc với nước đường đỏ và uống hết trong ngày.

4. Chữa trị sốt rét ác tính:

Dùng hạt hồi hương tươi, giã nát và vắt lấy nước cốt uống hoặc sắc uống.

5. Chữa trị chứng chậm kinh (máu kinh màu đỏ nhạt, lượng máu ít, đại tiện lỏng, bụng dưới đau âm ỉ và mỏi lưng):

Tiểu hồi 6g, ba kích 12g,  lá ngải cứu 10g, quế chi 10g, bạch thược 10g, đương quy 15g, hoàng kỳ 30g, ngưu tất 10g, kỷ tử 15g, gừng nướng 6g, xuyên khung 8g, thục địa 10g. Sắc với 1 lít nước, còn lại 600ml chia uống trong ngày 3 lần. Dùng liên tục trong 10 – 15 ngày sau khi kết thúc kỳ kinh.

6. Chữa trị đau xóc dưới sườn:

Dùng 40g Hồi hương sao vàng, chỉ xác 20g sao, đem tán thành bột mịn các vị này, ngày uống 2 lần. mỗi lần uống 8g cùng với rượu hòa thêm muối,

7. Chữa Bổ thận, tráng dương

Tiểu hồi 8g, cật dê hai quả, Đậu đen 100 g, Đỗ trọng 15g, gia vị vừa đủ. Cách làm:

– Tiểu hồi, Đậu đen, Đỗ trọng rửa sạch, để ráo, cho vào túi vải gạc.

– Cật dê rửa sạch, xắt từng miếng nhỏ.

– Cho tất cả vào nồi, thêm lượng nước vừa đủ, nấu 30 – 60 phút, thêm gia vị cho vừa ăn.

Bài thuốc này có tác dụng rất tốt cho những người đau lưng, tay chân lạnh, chân gối mỏi, sinh hoạt tình dục yếu

<center><em>Tinh dầu Hồi hương chữa được nhiều bệnh</em></center>

Tinh dầu Hồi hương chữa được nhiều bệnh

8. Chữa trị tinh hoàn sa đau

1: Dùng hồi hương 6g, lệ chi hạch 2g, mộc qua 8g, phá cố chỉ 6g, tỳ giải 20g, mộc hương 2g, ngô thù du 3g, sa nhân 2g, sắc với 1 chén rượu và uống khi còn ấm.

2: Dùng tiểu hồi hương 4g, mộc hương 6g, xuyên luyện tử 12g và ngô thù 6g, sắc uống hằng ngày.

9. Chữa trị trẻ nhỏ bị thoát vị bẹn:

Hồi hương 20g, lệ chi hạch, quýt hạch mỗi thứ 10g, dĩ nhân căn 50g, đinh hương và ô dược mỗi thứ 5g. Tất cả các vị tán thành bột, sau đó trộn đều với mật làm thành viên hoàn khoảng 3g. Mỗi lần uống từ 0.5 – 1 hoàn, uống 3 lần/ngày.

10. Chữa trị chướng bụng đầy hơi, kém ăn và nôn ọe:

Hồi hương 6g, Sinh khương 20g. Các vị này đem sao vàng, sau đó tán thành bột và làm viên hoàn, chia uống 2 lần với nước…

Những lưu ý khi sử dụng Hồi hương

– Không dùng Dược liệu này cho người bị âm hư hỏa vượng và có chứng nhiệt.

– Tránh nhầm lẫn Hồi hương với quả Hồi có độc.

– Vị thuốc Hồi hương có thể làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai chứa estrogen như Estradiol, Ethinyl estradiol…. Khi cần dùng dược liệu này thì nên sử dụng thêm các biện pháp ngừa thai khác như bao cao su.

– Trẻ em dưới 3 tuổi, người hay bị dị ứng với thuốc nam thì nên tìm hiểu kĩ trước khi sử dụng.

Với những tác dụng và công dụng của Tiểu hồi trong các bài thuốc Y học cổ truyền chữa trị các chứng đau bụng, đầy bụng, ăn khó tiêu… Là loại thảo dược đa công dụng khi vừa có thể làm gia vị vừa làm dược liệu chữa bệnh. An toàn cho người lớn khi uống. Tuy nhiên, Tiểu hồi có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người và làm giảm tác dụng của 1 số loại thuốc. Do đó, cần thận trọng sử dụng Tiểu hồi, nếu bạn dị ứng với thảo dược này và cần tham vấn các thầy thuốc chuyên khoa trước khi dùng nhé!

DsCKI. Nguyễn Quốc Trung

x

Check Also

Cây Ngái – Khỏe gân cốt, tốt cho sức khỏe

Cây Ngái, hay còn gọi là cây Sung dại, là loại cây tự nhiên phổ ...

Trình dược viên