Đương quy là một cây thuốc quý có nguồn gốc từ Tứ Xuyên, Trung Quốc di thực vào nước ta từ thế kỷ trước. Là cây thuốc đầu vị trong chữa bệnh phụ nữ, đồng thời được dùng nhiều trong các đơn thuốc bổ và chữa các bệnh khác.
1. Tên gọi
Tên dược: Radix Angelicae Sinensis .
Tên thực vật: Angelica sinensis (oliv) Diels.
Tên thường gọi: Ðương quy chinese angelica root.
2. Mô tả:
Cây thảo sống nhiều năm, cao 40 – 60cm. Rễ phát triển mạnh thành củ. Thân hình trụ, có rãnh dọc màu tím. Lá mọc so le, xẻ lông chim 3 lần; cuống dài 3 12cm, có bẹ to ôm lấy thân; lá chét phía dưới có cuống, các lá chét ở ngọn không cuống, chóp nhọn, mép khía răng không đều. Cụm hoa tán kép gồm 12 36 tán nhỏ dài ngắn không đều; hoa nhỏ màu trắng hay lục nhạt. Quả bế, dẹt, có rìa màu tím nhạt, mùa hoa quả tháng 7 đến tháng 9 Âm Lịch.
3. Bộ phận dùng và nơi sống:
Loài cây của Trung Quốc phát triển ở vùng cao 2000-3000m, nơi khí hậu ẩm mát. Cây được di thực về Việt Nam vào những năm 60 hiện nay phát triển trồng ở Tam Đảo ( Vĩnh Phúc ), Sapa (Lào Cai), Ngọc Lĩnh (Kontum), Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) và Đà Lạt (Lâm Đồng) và nhân giống bằng hạt. Cây trồng được 3 năm sẽ cho củ tốt, ta thường dùng củ để làm thuốc chữa bệnh.
4. Cách thu hái:
Đào củ vào mùa thu, cắt bỏ rễ con, phơi trong nắng nhẹ hoặc trong lò sấy lửa nhẹ nhàng cho khô đều. Củ to, thịt chắc, dẻo, màu trắng hồng, nhiều tinh dầu, có mùi thơm đặc biệt, vị ngọt sau cay là loài dược liệu quý.
5. Chế biến sử dụng:
Rửa qua rễ bằng rượu (nếu không có rượu thì rửa nhanh bằng ít nước, sau vẩy cho ráo nước). ủ một đêm cho mềm, bào mỏng 1mm. Nếu muốn để được lâu, rửa bằng nước và muối; sau đó, phải sấy nhẹ qua lưu huỳnh.
6. Thành phần hoá học:
Rễ chứa tinh dầu 0,2%, trong đó có 40% acid tự do. Tinh dầu gồm có các thành phần chủ yếu sau: Ligustilide, n-butyliden phthalide, o-valerophenon carboxylic acid, n.butyl – phtalide, bergapten, sesquiterpen, dodecanol, tetradecanol, safrol, p-cymen, carvacrol, cadinen, vitamin B12 0,25-0,40%, acid folinic, boitin.
7. Tính vị, tác dụng:
Vị ngọt cay, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, giảm đau, nhuận tràng và thông tiện.
8. Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Đương quy được dùng chữa thiếu máu xanh xao, đau đầu, cơ thể gầy yếu, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, tê liệt, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứ huyết, kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng kinh. Liều dùng 4,5-9g có thể tới 10 20g, dạng thuốc sắc hay rượu thuốc. Còn được dùng trị cao huyết áp, ung thư và làm thuốc giảm dau, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm.
9. Đơn thuốc:
- Chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều: dùng bài Tứ vật thang gồm Đương quy 8g, Thục địa 12g, Bạch thược 8g, Xuyên khung 6g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
- Bổ máu, dùng cho phụ nữ sau khi sinh đẻ, thiếu máu: dùng bài Đương quy kiện trung thang gồm Đương quy 8g, Quế chi, Sinh khương, Đại táo mỗi vị 6g, Bạch thược 10g, Đường phèn 50g, nước 600ml, sắc còn 200ml, thêm Đường chia làm 3 lần uống trong ngày.
- Chữa viêm quanh khớp vai, vai và cánh tay đau nhức không giơ tay lên được: Đương quy 12g, Ngưu tất 10g, Nghệ 8g sắc uống. Kết hợp với luyện tập hàng ngày giơ tay cao lên đầu.
- Phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh: dùng Đương quy sắc nước uống trước khi thấy kinh 7 ngày, Phụ nữ sắp sinh nếu uống nước sắc Đương quy vài ngày trước khi sinh thì đẻ dễ dàng.
Cho đến nay, Đương quy là một vị thuốc dùng rất phổ biến trong Đông y, là đầu vị trong thuốc chữa bệnh phụ nữ
Theo cayduoclieu.com