Dược mỹ phẩm là một trong những ngành công nghệ chăm sóc sắc đẹp, nó đã, đang và sẽ chiếm một vị trí quan trọng với mọi người, nhất là đối với phụ nữ.
Dược mỹ phẩm an toàn là vừa phải đáp ứng yêu cầu hiệu quả điều trị y khoa của dược phẩm, vừa thỏa mãn nhu cầu làm đẹp và tính an toàn của mỹ phẩm để người tiêu dùng có thể yên tâm khi sử dụng.
Dược mỹ phẩm là gì?
Khái niệm về dược mỹ phẩm đã được ông Pierre Fabre đưa ra lần đầu tiên: “Dược mỹ phẩm là mỹ phẩm được nghiên cứu, bào chế như một dược phẩm”. Đồng thời, dược mỹ phẩm với mức độ hiệu quả, an toàn, nồng độ và hàm lượng phải nhỏ hơn thuốc da liễu. Tá dược phải hạn chế tối đa phản ứng phụ, sản xuất phải đạt chất lượng GMP – thực hành sản xuất tốt.
Ở Việt Nam, những thập kỷ trước, chúng ta chỉ có khái niệm dược phẩm và mỹ phẩm đơn thuần. Dược phẩm dùng để chữa bệnh, mỹ phẩm dành cho trang điểm làm đẹp (nước hoa, son phấn, dầu gội…). Tuy nhiên, những năm gần đây sau thời kỳ hội nhập, chúng ta được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dược mỹ phẩm của các nước tiên tiến phát triển. Dược mỹ phẩm đóng vai trò quan trọng trong điều trị thẩm mỹ da. Sử dụng dược mỹ phẩm phải có kê đơn của bác sĩ chuyên khoa mới được sử dụng. Do vậy, không thể đánh đồng dược mỹ phẩm với mỹ phẩm, thuốc da liễu dùng ngoài da.
Có những loại Dược mỹ phẩm nào?
Dược mỹ phẩm được chia thành 3 loại:
Dược mỹ phẩm bề ngoài (để trang điểm, sơn móng tay, nhuộm tóc…), có thể nói đó là các sản phẩm hào nhoáng, tô vẽ thích ứng với một trào lưu hay một nghi thức.
Dược mỹ phẩm dự phòng dành cho việc làm chậm lại các biến đổi sinh lý của da (lão hóa, khô da) và bảo vệ chống lại các tác nhân bên ngoài (ô nhiễm, ánh nắng, chất kích ứng…).
Các dược mỹ phẩm sửa chữa được sử dụng khi người ta đã thất bại trong dự phòng. Đối mặt với các tổn thương, người ta phải chăm sóc, khắc phục chúng bằng những sản phẩm thí dụ như làm căng, tái sinh, làm ẩm, làm láng…
Với chuyên khoa da liễu, các tổn thương thuộc về lĩnh vực các bệnh về da: vảy nến, chàm, trứng cá… Dược mỹ phẩm về da trở thành một công cụ hỗ trợ, tiếp sức, bổ sung hiệu quả cho các điều trị y khoa.
Các bác sĩ, dược sĩ có thể cho những lời khuyên về sử dụng dược mỹ phẩm bề ngoài và dược mỹ phẩm dự phòng, sau khi đã loại trừ mọi khác thường bệnh lý. Riêng đối với mỹ phẩm sửa chữa cần hết sức thận trọng, tốt hơn hết là nên khuyên bệnh nhân đi gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Khi phối hợp Dược mỹ phẩm trong trị liệu, cần lưu ý đến các tương tác ngoài ý muốn, thí dụ như việc sử dụng đồng thời một kem giữ ẩm và một corticoid ngoài da sẽ có nguy cơ pha loãng corticoid và giảm bớt hiệu quả của thuốc.
Những lưu ý khi lựa chọn Dược mỹ phẩm
Dược mỹ phẩm ngày nay rất phong phú về chủng loại. Nhiều hãng Dược mỹ phẩm trên thế giới đã điều chế nhiều loại sản phẩm có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh ngoài da và thẩm mỹ da với hiệu quả cao. Cách lựa chọn loại Dược mỹ phẩm phải dựa theo týp da, phản ứng da, mùa trong năm và điều kiện kinh tế phù hợp cho từng người là rất cần thiết.
Để đảm bảo an toàn, tránh tác dụng phụ không mong muốn, trước khi bôi lên da vùng định điều trị (đặc biệt vùng mặt) thì nên bôi vào mặt trong cánh tay để sau 24-72 giờ nếu không có phản ứng gì thì mới dùng và tốt nhất là làm test da bằng phương pháp PUT (Provocative Use Test) hay phương pháp ROAT (Repeat Open Application Test): là phương pháp xác định phản ứng với mỹ phẩm chậm. Thoa mỹ phẩm lên vùng da mặt trong cánh tay 2 lần một ngày (trong 2 tuần) với diện rộng khoảng 5cm để xác định phản ứng. Nếu vượt quá thời gian trên, vùng da thoa thuốc không có biểu hiện gì (như ngứa, hồng ban, nổi mụn nước…) thì chứng tỏ da không bị dị ứng với mỹ phẩm đó.
Dược mỹ phẩm và vấn đề dị ứng
Cần hết sức thận trọng với những mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, đặc biệt đối với người có cơ địa dị ứng như hen suyễn, mề đay, chàm, viêm da dị ứng… Những tác dụng phụ mà Dược mỹ phẩm có thể gây ra là:
Nổi mụn trứng cá: là triệu chứng thường gặp nhất, do bôi những loại mỹ phẩm làm bít lỗ chân lông, gây ứ đọng chất bã nhờn.
Viêm da dị ứng: Đây là dạng dị ứng rầm rộ hơn, biểu hiện bằng mảng hồng ban (mảng đỏ vùng bôi mỹ phẩm), kèm theo mụn.
Mề đay: Bao gồm những sẩn phù, rất giống những vết muỗi cắn hay lằn roi đánh vào mặt da, kèm theo ngứa.
Ngoài ra còn có các biểu hiện ngoài da khác như: chàm tiếp xúc; khô da; teo da: thường gặp ở những người dùng nhóm thuốc có corticoid kéo dài; sạm da; lão hóa da.
Lưu ý: Sau khi bôi bất kỳ loại mỹ phẩm nào, nếu thấy da bị nổi sẩn, ngứa, đỏ thì phải ngừng ngay lập tức. Dùng vòi nước rửa mạnh để làm trôi mỹ phẩm. Thông thường, sau khi ngưng dùng mỹ phẩm thì các triệu chứng trên sẽ giảm dần và hết hẳn. Tuy nhiên, một số người cũng có thể bị dị ứng ngày càng nặng hơn và cần được điều trị. Khi đó cần đến cơ sở y tế để có lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.