Trong danh sách 20 thành viên Chính phủ được đề nghị miễn nhiệm không có tên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dù không tái cử vào Trung ương
- Công bố 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika tại Việt Nam
- Không có đơn thuốc mà bán thuốc kê đơn có thể bị xử lý hình sự
- Những bức ảnh rung động nền Y tế Thế Giới
Theo tờ trình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 8/4, 20 thành viên Chính phủ được đề nghị miễn nhiệm là những người đến tuổi nghỉ chế độ, không tái cử vào Trung ương khóa 12 hoặc đã nhận nhiệm vụ mới.
Tại đại hội Đảng 12 hồi tháng 1 vừa qua, ngành Y tế có hai đề cử ủy viên Trung ương là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, nhưng cả hai không trúng cử và đây cũng là ngành duy nhất không có đại diện trong Trung ương khóa mới.
Trả lời câu hỏi của báo giới sau đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay, “việc một số vị trưởng ngành không trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương là bình thường vì có số dư nên đã có kế hoạch”.
Theo ông Nên, không nhất thiết ngành nào cũng bố trí ủy viên. Riêng các địa phương thì cố gắng để người đứng đầu vào Trung ương, nếu chưa thì “Trung ương sẽ xem xét điều động khi cần thiết”.
Đại hội 12 đã bầu ra Ban Chấp hành mới với 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Ngoài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin rút khỏi danh sách đề cử, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và 14 bộ trưởng không phải là ủy viên Trung ương.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến (57 tuổi, quê Hà Tĩnh) có chuyên môn phó giáo sư, tiến sĩ Y khoa. Bà là ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết Khóa 10, ủy viên Trung ương Đảng Khóa 11, đại biểu Quốc hội Khóa 12, 13.
Từng giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội, bà sau đó làm Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh cộng đồng, Đại học Y dược TP HCM, Trưởng Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết, Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu quốc gia tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS khu vực phía Nam, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Y tế.
Từ năm 2007, bà đảm nhiệm các vị trí ủy viên dự khuyết Trung ương, Thứ trưởng Y tế, Tổng biên tập Tạp chí Y học thực hành.
Tại Đại hội Đảng lần thứ 11, bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được phê chuẩn làm Bộ trưởng Y tế tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13.
Nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có nhiều nỗ lực thay đổi cơ chế làm việc của ngành như cấm nhân viên y tế nhận phong bì, yêu cầu các bệnh viện công khai đường dây nóng, lắp camera theo dõi ở một số bệnh viện lớn… Dù vậy, một số tồn tại của ngành như nhiều trẻ em bị chết sau khi tiêm phòng, bệnh viện quá tải, chất lượng phục vụ một số nơi chưa tốt khiến bà chưa được đại biểu tín nhiệm cao.
Theo sức khỏe đời sống